Mới đây, một bệnh nhân phải điều trị tại bệnh viện 103 vì lạm dụng kim tiền thảo gây suy tạng rất nguy hiểm. Bệnh nhân cho biết, ở nhà đã tự ý sắc lá kim tiền thảo uống theo bài thuốc dân gian.

- Theo suckhoe -

Nhưng sau nửa tháng, bệnh nhân xuất hiện các nốt phỏng mẩn ngứa, lở loét miệng. Sau khi đến bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán bị dị ứng với kim tiền thảo và phải điều trị tích cực với các biện pháp thay huyết tương, thêm đông máu, lọc máu liên tục…

Theo lương y Lê Xuân Hải, Chủ tịch hội Đông Y quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, mặc dù kim tiền thảo là cây lành tính nhưng nếu sử dụng không đúng phác đồ, quá liều sẽ gây biến chứng.

Dược tính cây kim tiền thảo

Kim tiền thảo là loại cây thường mọc trong tự nhiên và được sử dụng làm thuốc chữa bệnh trong Y học cổ truyền.

Kim tiền thảo còn được gọi là cây mắt trâu, đồng tiền lông, vảy rồng… thuộc cây họ cây thảo, cao khoảng 40 – 80cm, bò dưới đất đâm rễ rồi mọc đứng.

Cành non hình trụ, khía vằn, có lông nhung màu gỉ sắt. Lá mọc so le gồm một hoặc ba lá chét. Lá chét ở giữa hình mắt chim và to hơn hai lá chét bên cạnh. Mặt trên các lá màu xanh lục nhẹ và nhẵn, mặt dưới có lông mịn, trắng bạc và mềm.

Cảnh báo: Tự ý dùng kim tiền thảo dẫn đến suy tạng - ảnh 1

Cây kim tiền thảo

Hoa thường mọc thành chùm ở ngọn cây, tràng hoa hình bướm màu tím, có lông mềm và ra hoa vào khoảng tháng  6 – 9 hàng năm. Cây thường thấy ở vùng trung du, vùng đất pha cát… tại một số tỉnh như Hòa Bình, Quảng Ninh, Hưng Yên, Thanh Hóa, Nghệ An…

Theo nghiên cứu, trong y học cổ truyền cây kim tiền thảo có tác dụng thông lâm, thanh can đờm thấp nhiệt, giải độc, thanh nhiệt lợi thấp… dùng trong các trường hợp nhiệt độc ung nhọt, sạn gan mật, rắn cắn, nhiệt lâm…

Trong y học hiện đại cũng chứng minh kim tiền thảo có tác dụng lợi mật, lợi tiểu, làm tăng lưu lượng máu ở thận, tăng cường tuần hoàn nào, động mạch vành…

Cây kim tiền thảo chữa bệnh

Từ lâu, trong dân gian đã có nhiều bài thuốc chữa các bệnh từ cây kim tiền thảo.

Trị viêm thận, phù, viêm gan, viêm túi mật

Cách làm:

Dùng kim tiền thảo 40g, dành dành, chút chít mỗi vị 10g, mộc thông, ngưu tất mỗi vị 20g sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Trị sỏi đường tiết niệu

Cách làm:

Kim tiền thảo 40g, trạch tả, uất kim, ngưu tất mỗi vị 12g, kê nội kim (màng trong mề con gà) 8g, mã đề, tỳ giải mỗi vị 20g. Sắc lên mỗi ngày uống 1 thang.

Trị sỏi đường mật

Cách làm:

Kim tiền thảo 30g sao khô, sinh địa hoàng, hoàng tinh, xuyên luyện tử mỗi vị 10g. Sắc lên mỗi ngày uống 1 thang.

Kim tiền thảo, rau má tươi, cỏ xước mỗi vị 20g, nghệ vàng, hải tảo mỗi vị 8g, kê nội kim 6g, hoạt thạch, vảy tê tê, củ gấu mỗi vị 12 g. Sắc mỗi ngày 1 thang.

Cảnh báo: Tự ý dùng kim tiền thảo dẫn đến suy tạng - ảnh 2

Cây kim tiền thảo khô

Việc sử dụng kim tiền thảo cần phải đúng theo chỉ dẫn của thầy thuốc (Ảnh minh họa: Internet)

Trị viêm túi mật và đường mật

Cách làm:

Kim tiền thảo, nhân trần mỗi vị 40g, mã đề, sài hồ mỗi vị 16g, chi tử 12g, uất kim, chỉ xác mỗi vị 8g, khổ luyện tử 6g, đại hoàng 4g. Sắc uống hàng ngày. Mỗi ngày 1 thang.

Trị sỏi niệu gây sung huyết, chảy máu

Cách làm:

Dùng 40g kim tiền thảo, 20g mã đề, ý dĩ 12g, ngưu tất 12g, đào nhân, uất kim, chỉ xác, đại phúc bì, kê nội kim mỗi vị 8g, sắc lên uống hàng này.

Trị bệnh trĩ

Cách làm:

Dùng khoảng 100g cây kim tiền thảo tươi hoặc 50g kim tiền thảo khô sắc lên uống hàng ngày trong khoảng 1 -3 tháng sẽ làm giảm các triệu chứng của bệnh trĩ: hết đau sưng đối với trĩ nội và trĩ ngoại

Ngoài ra, cây kim tiền thảo còn có tác dụng hỗ trợ chữa các bệnh như: làm tan sỏi đường tiết niệu, bội nhiễm đường tiết niệu, đái ra dưỡng chấp...

Những lưu ý khi sử dụng cây kim tiền thảo

- Trước khi sử dụng cần rửa sạch lá và đun sôi khoảng 15 – 20 phút.

- Nên uống kim tiền thảo trong ngày, không nên để qua đêm.

- Không sử dụng cho những người bị tì hư, tiêu chảy hoặc có cơ địa dị ứng.

- Cần xác định chính xác bệnh trước khi sử dụng đặc biệt là bệnh sỏi thận vì kim tiền thảo không có tác dụng với sỏi có cấu trúc oxalat canxi mà hiệu quả rõ với sỏi có cấu trúc urat.

- Để lợi tiểu, nên kết hợp kim tiền thảo với một số loại thảo dược như râu mèo, râu ngô… để tăng tiến độ đào thải axít uric ra bằng đường nước tiểu.