Tắm thuốc người dao để hồi phục sức khỏe

- congluan.vn-

Đang đà mất ngủ, mệt mỏi gần 3 tháng qua, với lời mời nhiệt tình của ông Hùng, bà Hồng nên tôi đồng ý tắm thử một lần cho biết. Sau 10 phút chuẩn bị, cô nhân viên phục vụ mời tôi bước vào phòng tắm.

Vừa bước vào phòng, tôi đã ngửi được một mùi thơm kì lạ được bốc ra từ một bồn nước bằng gỗ, hơi nóng bốc lên thật quyến rũ. Bồn nước nóng đầy bọt trắng xóa.

 

Tấm pa nô hình quảng cáo tắm lá thuốc của người Dao đỏ

 

 Sau khi dặn dò tôi phải ngâm chân vào bồn nước nóng trước, rồi mới ngâm mình, ở trong nước khoảng độ 20 phút mà thấy người xuất mồ hôi ra, đầu óc hơi choáng váng thì phải rời bồn nước vì bị say thuốc, còn không thì có thể ngâm mình đến khi nước nguội và khi lên thì chỉ cần lau mình, tuyệt nhiên không được tắm lại bằng nước trắng– cô nhân viên đóng cửa phòng lại.

Tôi y lời dặn từng động tác. Thật là thích thú trong làn hơi nước màu huyết dụ, cứ y như rượu vang, hơi nước bốc lên mù mịt và thơm ngào ngạt.

Tôi thả lõng người và cứ thế ngâm mình trong chiếc bồn gỗ pơ mu kia cho đến khi nước nguội và đám bọt trắng kia cũng tan dần, tôi nhẩm tính được 30 phút, đồng hồ chỉ sang 9 giờ rưỡi tối.

Người thật sảng khoái, đầu óc như minh mẫn hẳn ra. Cô nhân viên nọ lại đưa tôi sang phòng massage bên cạnh mát xa thêm 45 phút nữa. Một cảm giác thật đã đời, tôi nghe thoang thoảng mùi thảo dược tỏa ra từ trong người.

Trở lại phòng khách của ông Hùng, bà Hồng, tôi bắt gặp một anh thanh niên cũng vừa tắm lá thuốc ra đang khà khà bên chén rượu do ông Hùng đưa.

Anh ta bảo: “Tôi ở Nam Định lên du lịch Sapa, nghe người ta đồn về món “đặc sản” tắm lá thuốc của người Dao đỏ nên vào tắm thử.

Đúng là “đã thật”, cơn đau phong thấp của tôi dường như im ắng rồi. Trước khi về, nhất định tôi sẽ tắm một lần nữa”. Rót cho tôi một li rượu táo mèo, chị Hồng nói: “Em uống hết đi.

Tắm xong thì lỗ chân lông sẽ nở ra, nên với nam thì cơ sở chúng tôi mời thêm một li rượu bổ thận tráng dương, nâng cao vai trò nam giới. Còn với nữ thì chúng tôi mời một li rượu táo mèo giúp tốt cho đường ruột.

Nếu dùng đều thì sẽ tốt cho làn da, trắng làn da như được tắm lá thuốc vậy…”.

 

Chị Lý Mán Mẩy trên đường đi hái lá thuốc 

 

Đêm ở khách sạn, nhờ được tắm lá thuốc mà tôi “O” luôn một lèo tới 8 giờ sáng mới tỉnh dậy. Tuy nhiên tôi vẫn chưa tin lắm vào những lời nói tốt về tắm lá thuốc của ông Hùng, tôi quyết định xuống bản tìm người Dao đỏ để hỏi rõ.

Chị Lý Mán Mẩy (31 tuổi) ở bản Tả Phìn cho biết: “Ông Hùng nói thật đấy. Tắm lá thuốc là phương thuốc cổ truyền của người Dao đỏ chúng tôi. Người già trong thôn, họ biết đọc sách cổ của người Dao nhưng vẫn không biết rõ thuốc tắm của đồng bào chúng tôi có từ khi nào.

Ở đây, mùa đông hay mùa hè, cả đại gia đình thường nấu chung một nồi nước thuốc lớn rồi pha vào những cái bồn gỗ pơ mu để tắm.

Loại thuốc lá này có thể chữa được những bệnh như đau mỏi các khớp gối tay chân, đau mỏi cơ, nhức đầu, đau lưng, tăng cường sinh lực, giải rượu bia, mệt mỏi, lưu thông khí huyết… cho đến những bệnh ngoài da như mẩn ngứa, mụt nhọt, da khô ráp…

Đặc biệt phụ nữ sau khi đẻ nếu tắm thuốc lá này sẽ giúp cơ thể tuần hoàn máu, khỏe mạnh nhanh và làm cho da dẻ đẹp. Nói thật, mình có 2 đứa con rồi nhưng nhờ tắm thuốc lá mà chỉ một tuần sau khi sinh, mình có thể địu con lên nương làm rẫy rồi.

À, mà này nếu tắm thuốc lá thì phải tắm trong bồn gỗ pơ mu mới là tốt nhất. Bởi loại gỗ này có chứa nhiều dầu thơm. Khi pha nước nóng vào đó, mùi dầu tỏa ra quyện với thuốc sẽ bốc lên tạo thành mùi thơm đặc trưng riêng và sẽ phảng phất bên người đến 2-3 ngày sau mới tan.

Ngoài ra loại gỗ pơ mu rất tốt, một cái bồn bằng gỗ này mình có thể sử dụng 30 – 40 năm, còn những loại gỗ khác chỉ có mấy năm thôi. Bây giờ ở bản Tả Chải còn có cả một công ty duy nhất của người Dao kinh doanh dịch vụ món “đặc sản” tắm thuốc lá của người Dao đỏ nữa kìa…”.

Mặc dù đã có mấy năm trong nghề, được pha thuốc trực tiếp cho khách tắm nhưng ông Lê Văn Hùng cũng thú nhận là đến nay ông vẫn chưa biết tường tận tên các loại lá, loại rễ và loại thuốc có trong phương thuốc bí truyền của người Dao.

Dẫu rằng đã “đồng ý” để anh em nhà ông Hùng sử dụng “bản quyền” phương thuốc truyền thống của dân tộc mình, thế nhưng người Dao đỏ chỉ mang lá thuốc đó xuống cơ sở của ông và lá thuốc đã được băm nhỏ, trộn lẫn vào nhau không thể phân biệt được loại nào với loại nào.

Và dĩ nhiên họ cũng không “bật mí” cho ông biết đó là những cây gì, thuốc gì ngoại trừ những loại cây quá thông dụng như: hồi, quế…

Cách pha chế thuốc tắm cũng rất công phu và mất nhiều thời gian. Khi nhập thuốc cho cơ sở, người Dao đỏ sẽ giúp chủ cơ sở pha trộn các loại rễ cây, lá cây, vỏ cây sao cho phù hợp.

Trong các vị thảo dược ấy, có loại được sao khô hoặc phơi khô đồng thời cũng có vị còn tươi nguyên roi rói thì mới phát huy hết tác dụng.

 

Tác giả với cành cây lá thuốc Chi bi đen – một trong những vị thuốc của bài tắm lá thuốc cổ truyền của người Dao đỏ  

 

Mỗi bài thuốc tắm thường gồm có từ 12 – 14 vị theo bí quyết của người Dao đỏ, nhưng anh em nhà ông Lê Văn Hùng lại thêm vào đó 3 vị thuốc gia truyền rồi tùy theo lượng khách tắm mà bốc lượng thuốc tươi-khô hỗn hợp ấy vào xoong quân dụng, đun liên tục trong 3 – 4 giờ để lấy nước cốt có màu nâu đỏ, bốc mùi thơm ngào ngạt.

Nước cốt được pha với nước ấm theo tỉ lệ 2: 98%. Khi pha nước tắm, nhiệt độ trong bồn nước khoảng chừng 300 – 37C. Thời gian tắm dành cho người có sức khỏe bình thường từ 30 – 35 phút.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết những loại lá thuốc người Dao đỏ tìm để làm thuốc lá để tắm là: quang đìa diềm, quang đìa bưa, quang đìa nhỏ, quang đìa chia, quang địa vè, quang đìa giảng, ngùng quang mây, chua quang phệ, giềm tiểu, chà thông thệ, đìa giảng, già nán huề, che bi đen…Để khai thác bài thuốc tắm này như một sản phẩm du lịch độc đáo, nhiều tổ chức đã bắt tay vào giúp đỡ đồng bào người Dao.

Tiến sĩ Trần Văn Ơn – trường Đại học Dược Hà Nội đã khẳng định: “Mỗi bài thuốc người Dao đỏ thường dùng có từ 10 – 120 loại thảo dược khác nhau và được lựa chọn sử dụng nhiều hay ít tùy thuộc vào mục đích sử dụng và kinh nghiệm. Hiện có 6 loại cây dược liệu chính làm nên giá trị bài thuốc tắm cổ truyền này đang có nguy cơ bị tuyệt diệt”.

Sau nhiều năm nghiên cứu, tiến sĩ Ơn và các cộng sự của ông cũng nghiên cứu giúp đồng bào Dao đỏ tìm ra công thức bào chế những loại thảo dược: Áp chúa dâu, quyền dòi mây, nẹ nậm, đìn gián…thành dạng cao hoặc nghiền thành bột để tiện sử dụng.

Hiện nay, tuy món “đặc sản” tắm lá thuốc của người Dao đỏ hãy còn là sự “bí ẩn” đối với khách phương Tây khi đến Sapa nhưng nó thực sự là “đặc sản” quyến rũ với người Việt Nam trên khắp mọi miền Tổ Quốc. Với mục đích phát huy thế mạnh của “đặc sản” này, cơ sở tắm lá thuốc Hùng Hồng cũng đã chuyển giao công nghệ cho nhiều địa phương như: TP HCM, Bình Định, Lâm Đồng và các tỉnh phía Bắc…